Hoa dâm bụt? Dâm bụt là loại cây cảnh phổ biến ở các nước nhiệt đới. Trong nhiều thế kỷ, y học dân gian sử dụng hạt, lá, hoa, thân cây dâm bụt để làm thuốc. Một số bộ phận của cây dâm bụt, trong đó có hoa, cũng được dùng trong ngành thực phẩm với nhiều mặt hàng như mứt, thạch, nước sốt, siro và trà.
Hoa dâm bụt có nhiều màu sắc khác nhau, thường rất rực rỡ. Cũng như các bộ phận khác của cây dâm bụt, phần hoa cũng có nhiều tác dụng dược lý. Theo chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ, Beth Czerwony, lấy hoa dâm bụt pha trà có thể có được những lợi ích sau đây:
Chống oxy hóa
Dâm bụt chứa rất nhiều chất chống oxy hóa như beta-carotene, vitamin C và anthocyanin. Chuyên gia Czerwony nói: “Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa rất hữu ích với sức khỏe”.
Chất chống oxy hóa giúp loại bỏ các gốc tự do có hại trong cơ thể. Gốc tự do làm tổn thương tế bào, từ đó dẫn tới các bệnh như ung thư, tim mạch, đái tháo đường.
Chống viêm
Theo chuyên gia Czerwony, một số nghiên cứu cho thấy dâm bụt có hoạt tính chống viêm. Quá trình viêm nhiễm thường gây ra nhiều bệnh gồm ung thư, hen suyễn, Alzheimer, bệnh tim và viêm khớp dạng thấp.
Hạ huyết áp
Huyết áp cao là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới đau tim, đột quỵ, suy tim và bệnh về thận. Các nghiên cứu lâm sàng cho thấy, uống trà hoa dâm bụt có thể hỗ trợ giảm huyết áp. Tuy nhiên, loại trà này không thể thay thế cho thuốc điều trị ở những người huyết áp cao.
Giảm mỡ máu
Mỡ máu cao là vấn đề nguy hiểm vì có thể dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng như đau tim, đột quỵ. Một số nghiên cứu lâm sàng cũng cho thấy trà dâm bụt tác dụng giảm cholesterol trong máu.
Chống vi khuẩn
Theo các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, chiết xuất hoa dâm bụt có thể kiểm soát sự lây nhiễm một số loại vi khuẩn. Tác dụng này là nhờ vào các hợp chất chứa đặc tính kháng khuẩn trong hoa dâm bụt.
Giúp gan khỏe mạnh hơn
Theo một số nghiên cứu khoa học, nhiều hợp chất trong cây dâm bụt có thể giữ cho lá gan khỏe mạnh hơn. Chiết xuất của loại cây này bảo vệ gan khỏi nhiều loại độc tố nhờ vào đặc tính chống oxy hóa mạnh mẽ. Chiết xuất từ cây dâm bụt còn được chứng minh có thể chống lại tế bào ung thư gan.
Nên dùng hoa dâm bụt thế nào?
Theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), cây dâm bụt được coi là an toàn khi sử dụng trong thực phẩm. Dù vậy, vẫn có trường hợp dị ứng khi sử dụng dâm bụt. Nếu sử dụng ở liều lượng cực cao, dâm bụt có thể gây tổn thương gan.
Chuyên gia Czerwony cho biết: “Bạn có thể thêm dâm bụt vào chế độ ăn uống của mình, nhưng tốt hơn hết hãy hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng, đặc biệt với những người đang dùng thuốc điều trị bệnh sẵn có.
Việc uống một tách trà dâm bụt mỗi ngày hoàn toàn có thể chấp nhận được và có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe”.
Hoa dâm bụt được chứng minh có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, các nghiên cứu về lợi ích của hoa dâm bụt hầu hết được thực hiện ở quy mô nhỏ, trong phòng thí nghiệm hoặc sử dụng chiết xuất hoa dâm bụt ở liều lượng cao. Do đó, cần thêm các nghiên cứu quy mô lớn hơn cũng như nghiên cứu trên người để làm rõ tác dụng của hoa dâm bụt.
Liều dùng & cách dùng
Mụn mủ, mụn nhọt đang nung mủ: Dùng lá và hoa tươi giã nhỏ với ít muối đắp lên những mụn nhọt đang nung mủ, khô thuốc lại thay. Mụn nhọt sẽ đỡ nhức và sớm vỡ mủ.
Chữa xích và bạch lỵ, bạch đới khí và để rửa mụn nhọt: Vỏ rễ dâm bụt sắc với nước dùng uống. Ngày dùng 4 – 12g vỏ rễ. Nước sắc này còn dùng ngâm, rửa bôi trị trĩ, mụn nhọt với liều không giới hạn.
Đặc điểm tự nhiên
Dâm bụt là một loại cây nhỏ cao 1 – 2m hoặc cây nhỡ cao 4 – 5m. Thân hình trụ, tròn, nhẵn, màu nâu xám. Lá đơn, móc so le, có cuống dài, hình bầu dục, gốc tròn, đầu nhọn, mép có răng cưa to, mặt trên sẫm bóng, mặt dưới nhẵn, có lá kèm hình chỉ dài và nhọn.
Hoa to, mọc đơn độc ở kẽ lá, có cuống dài, lưỡng tính, màu đỏ, tiểu đài có 6 – 7 mảnh hình chỉ. Đài gồm 5 lá đài, màu lục dính vào nhau thành hình ống. Tràng có 5 cánh, rời nhau, phiến rộng, mỏng hẹp. Bộ nhị đơn gồm nhiều nhị dính liền nhau bởi chỉ nhị thành một ống dài mang những bao phấn, 5 lá noãn dính nhau thành một bầu thượng 5 ô, mỗi ô chứa hai dây noãn theo kiểu noãn trung trụ. Vòi dài nằm trong ống nhị, đầu nhụy có 5 núm.
Quả nang tròn, chứa nhiều hạt.
Lưu ý
Một số lưu ý khi sử dụng cây Dâm bụt:
Ở nước ta và Trung Quốc, cây Hồng cận biếc hay Mộc cận (Hibiscus syriacus L hoặc Hibiscus chinensis DC) cũng được dùng ở một số nơi với cùng một công dụng như Dâm bụt. Tuy nhiên, cây này là cây nhỡ cao 3 – 5m, lá hình xoan, chia 3 thùy không đều, phía trên có răng cưa dài 8 cm rộng 6cm. Hoa đơn độc, màu trắng hồng, tím hoặc tía.
Tại Malaysia người ta dùng Dâm bụt pha nước uống như pha chè để thông tiểu tiện và chữa mẩn ngứa.
Trên đây là thông tin về Hoa dâm bụt do Làng hoa Tây Tựu đang cung cấp cho các bạn. Hy vọng qua nội dung trên sẽ có ích cho các bạn. Nếu bạn vẫn còn muốn biết thêm về các loài hoa thì cùng đón xem các bài viết tiếp theo của chúng tớ nhé!